Phát triển cảng cạn, tối ưu hóa vận tải hàng xuất, nhập khẩu

Phát triển cảng cạn, tối ưu hóa vận tải hàng xuất, nhập khẩu

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính kế thừa trong quá trình phát triển, phát huy tối đa công suất của các cảng cạn hiện hữu, kết hợp rà soát điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Theo Bộ GTVT, quy hoạch cảng cạn nằm trong các quy hoạch chuyên ngành được thực hiện nhằm triển khai cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc lập quy hoạch do Cục Hàng hải VN chủ trì, được thực hiện từ tháng 3/2022. Trong đó, quy hoạch dựa trên nhiều quy tắc. Cụ thể, cảng cạn phải gắn với đầu mối vận tải, gần các khu công nghiệp, khu chế xuất và kết hợp với các trung tâm dịch vụ logistics lớn.

Đối với cảng cạn hỗ trợ cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không, ưu tiên quy hoạch tại các cửa khẩu quốc tế có lưu lượng hàng hóa, phương tiện lớn hoặc các cửa khẩu có vai trò kết nối quan trọng trong ASEAN, vận tải xuyên Á. Quy hoạch cảng cạn ưu tiên gắn với các hành lang vận tải có từ hai phương thức vận tải trở lên, đặc biệt là có vận tải thủy nội địa.

Quy hoạch được phê duyệt đã xác định cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ.

Phát triển cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, các quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các vùng và địa phương.

Việc phát triển hệ thống cảng cạn để tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế. Đồng thời, kết hợp vừa phát triển cảng cạn gần cảng biển để hỗ trợ trực tiếp vừa phát triển cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường sắt để tổ chức tốt mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.

Ngoài ra, ưu tiên hình thành và phát triển các cảng cạn gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy nội địa, đường sắt), cùng các cảng cạn gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics và các cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế có nhu cầu vận tải với khối lượng lớn.

Cùng đó, phát triển các vị trí mới kết hợp với việc di dời một số cảng cạn để hình thành hệ thống cảng cạn đồng bộ, hiện đại, bền vững, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, huy động mọi nguồn lực, sử dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển cảng cạn theo quy hoạch.

Phát triển cảng cạn, tối ưu hóa vận tải hàng xuất, nhập khẩu
Phát triển cảng cạn, tối ưu hóa vận tải hàng xuất, nhập khẩu

Như “cánh tay nối dài” của cảng biển

Bộ GTVT cho biết, trong bối cảnh nhu cầu vận tải container ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là vận tải đường biển đã kéo theo sự phát triển của các cảng biển, vận tải đa phương thức và logistics. Việc phát triển cảng cạn như “cánh tay nối dài” của cảng biển vào sâu nội địa giúp tăng hiệu quả khai thác cảng biển.

Quy hoạch phát triển cảng cạn đóng vai trò thúc đẩy triển khai đầu tư khai thác cảng cạn, giảm gánh nặng ùn tắc do thiếu hụt kho bãi, ùn tắc giao thông trong tổ chức vận tải hàng hóa đến cảng biển và các cửa khẩu đường bộ hiện nay.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các cảng cạn gắn với đường thủy nội địa, đường sắt để giảm thị phần vận tải đường bộ trên các hành lang vận tải container, góp phần tái cơ cấu vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí vận tải và ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch vừa là căn cứ để đẩy nhanh hình thành các cảng cạn mới, chuyển đổi các điểm thông quan nội địa (ICD) đã được quy hoạch cảng cạn, vừa là căn cứ để địa phương và doanh nghiệp kết hợp quy hoạch phát triển hiệu quả cảng cạn và trung tâm logistics, cũng như đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.

Bộ GTVT nhận định, quy hoạch mới đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trên cả nước.

Trong đó, có các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, đặc biệt là quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch của các địa phương.

Ngoài ra, quy hoạch được phê duyệt cũng là cơ sở thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển.

Đồng thời, là cơ sở để tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của từng khu vực và các hành lang kinh tế, hợp lý hóa tổ chức vận tải với hãng container, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.

Cùng đó, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ trực tiếp tại chỗ với hệ thống cảng biển, nhu cầu kết nối vận tải đa phương thức, tổ chức giao thông tại các khu vực hậu phương xa cảng biển.